Giám định sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

1. Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân có chức năng giám định sở hữu trí tuệ sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

2. Giám định sở hữu trí tuệ gồm những nội dung gì?

Giám định sở hữu trí tuệ gồm những nội dung sau đây:

– Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;

– Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không;

– Xác định có hay không sự trùng, tương tự gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;

– Xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại.

3. Giám định sở hữu trí tuệ gồm những lĩnh vực nào?

– Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan;

– Giám định về quyền sở hữu công nghiệp;

– Giám định về quyền đối với giống cây trồng.

4. Tổ chức nào có chức năng giám định sở hữu trí tuệ?

Hiện nay chỉ mới có duy nhất Viện khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam (Vietnam Intellectual Property Research Institute – VIPRI) có chức năng giám định sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp.

Đối với các lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan và giám định về quyền đối với giống cây trồng thì vẫn chưa có tổ chức nào có đủ thẩm quyền để có thể tiến hành hoạt động giám định trong các lĩnh vực này.

5. Ai cũng có thể thực hiện hoạt động giám định sở hữu trí tuệ?

Không? Chỉ những cá nhân đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định thì mới có chức năng giám định sở hữu trí tuệ. Cụ thể, giám định viên sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

– Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Thường trú tại Việt Nam;

– Có phẩm chất đạo đức tốt;

– Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.

6. Giám định sở hữu trí tuệ là hoạt động bắt buộc?

Không? Theo quy định của pháp luật hoạt động giám định sở hữu trí tuệ không phải là hoạt động bắt buộc.

7. Nếu giám định sở hữu trí tuệ không phải là hoạt động bắt buộc vậy tại sao tôi lại phải thực hiện hoạt động này?

Mặc dù giám định sở hữu trí tuệ không phải là hoạt động bắt buộc nhưng kết luận giám định lại là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Hơn nữa, kết luận giám định cũng sẽ là cơ sở rõ ràng và vững chắc để bạn có thể quyết định có nên tiếp tục hay chấm dứt việc yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với các quyền của mình liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, bạn còn có thể tránh được các trường hợp đưa ra các yêu cầu xử lý vi phạm không chính xác hoặc thực hiện các hành vi xâm phạm quyền của người khác.

8. Tôi sẽ phải làm gì khi nhận được kết luận giám định kết luận rằng các nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp mà tôi đang sử dụng là yếu tố xâm phạm quyền của bên thứ ba?

Bạn có thể yêu cầu tổ chức ra kết luận giám định lại hoặc giám định bổ sung để chắc chắn rằng kết luận đã ra là chính xác. Trong thực tế, không thể loại trừ khả năng bên thứ ba đã cung cấp các tài liệu không chính xác cho tổ chức giám định khiến cho kết luận giám định bị sai lệch.

Nếu kết luận giám định không thay đổi bạn nên chấm dứt việc sử dụng các yếu tố đã bị kết luận là xâm phạm quyền của chủ thể khác.

Nếu bạn đang bị xử lý bởi chủ thể quyền hoặc bởi cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm, bạn vẫn có quyền thỏa thuận với chủ thể quyền về biện pháp giải quyết vụ việc sao cho hạn chế tối đa những thiệt hại có thể xảy ra với bạn.

—————————————————————————–

Mọi yêu cầu tư vấn, Quý Khách vui lòng liên hệ với MasterBrand.

Người liên hệ: Đỗ Văn Uân

Tel: 0902 26 26 27 – 097 789 22 23

E-mail: ceo.masterbrand@gmail.com